“Ai yêu các nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh/ Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn Thiếu niên nhi đồng.” Tình yêu thương của Người đối với thiếu nhi được ví như trời biển. Và với thiếu nhi Việt Nam hôm nay, nỗi thương nhớ Bác cũng chưa bao giờ vơi cạn…
Sinh ra trong thời bình, dù chỉ được gặp Bác qua những thước phim, những hình ảnh, những áng văn thơ, những câu chuyện kể…nhưng nhắc đến Bác, các em thiếu niên nhi đồng lại kính trọng và yêu mến nồng nàn.
Ngoài tình yêu thương dành cho các cháu, Bác cũng nhấn mạnh sự tin tưởng: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu..." (Trích thư Bác Hồ gửi cho học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tháng 9/1945)...
Chân thực và xúc động hơn khi giờ đây được ngắm lại những hình ảnh Bác Hồ với các cháu thiếu nhi tại triển lãm do NXB Kim Đồng phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thực hiện, “Bác Hồ với phụ nữ và thiếu nhi” khai mạc sáng ngày 15/5 tại Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Bác (19/5/1890- 19/5/2015).
Bác Hồ bế một cháu bé Việt kiều ở Pháp trong thời gian Người ở thăm nước Pháp và dự đàm phán ở Fontainebleau, tháng 7/1946
Bác Hồ đến thăm một trại nhi đồng ở Việt Bắc, năm 1950
Bác Hồ bón cơm cho cháu bé khi đến thăm một trại nhi đồng ở Việt Bắc, năm 1950
Bác Hồ đọc báo cho các cháu nghe tại trại nhi đồng ở Việt Bắc, năm 1950
Nhân dịp Tết Nguyên đán đầu tiên sau hòa bình, các cháu thiếu nhi Thủ đô đến chúc Tết Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch và múa hát quanh Bác, Hà Nội ngày 9/2/1955
Bác Hồ đang theo dõi một cháu nhỏ đánh vần khi đến thăm lớp vỡ lòng ở phố Hàng Than, Hà Nội, năm 1958
Đại biểu thiếu nhi tỉnh Thái Bình dâng lên Bác những sản phẩm của địa phương do các em trồng trong buổi mít tinh chào mừng Người về thăm Thái Bình, ngày, ngày 26/10/1958
Nhân dịp tết Nguyên đán Canh tý 1960, đoàn đại biểu Thiếu niên Thủ đô tới Phủ Chủ tịch chúc Tết Bác Hồ. Bác quàng khăn đỏ cho một cháu thiếu niên, Hà Nội ngày 28/1/1960
Bác Hồ hỏi chuyện thân mật với thiếu nhi Việt kiều ở Thái Lan về nước chuyến đầu tiên tại Hải Phòng, tháng 10/1960
Bác Hồ đến thăm và chia kẹo cho các cháu ở nhà trẻ của con em công nhân các Nhà máy âm thanh nhà xưởng, Cao su Sao Vàng, Xà phòng Hà Nội và Thuốc lá Thăng Long, ngày 15/2/1961
Bác Hồ đến thăm và chia kẹo cho các cháu nhi đồng ở Trường mầm non Thị xã Thanh Hóa
Nhân dịp Tết Nguyên Đán, Bác Hồ đến thăm chúc tết và chia kẹo cho con em gia đình công nhân (ông bà Trần Mộc Sinh), dân tộc Hán, ở Quảng Ninh, ngày 2/2/1965
Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với các cháu thiếu nhi xã Tam Sơn, Tiên Sơn, Hà Bắc- nơi có phong trào HTX Măng Non, quê hương phong trào "Nghìn việc tốt" ngày 9/2/1967
Bác Hồ cùng các cháu thiếu nhi làng Sen, xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An đi thăm quê nhà
Nguyễn Hằng
Nguồn: dantri.com.vn
- Được viết bởi: Lê Sỹ Chiến
- Lượt xem: 5456
Trải qua hàng ngàn năm văn hiến, dân tộc Việt Nam đã xây đắp nên truyền thống hiếu học. Tục ngữ có câu: “Nửa bụng chữ bằng một hũ vàng” là biểu hiện ham muốn có học thức của dân tộc ta. Bài văn bia đầu tiên ở Văn Miếu Quốc Tử Giám dưới thời vua Lê Thánh Tông có câu: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao; nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp”.
Kế thừa truyền thống ấy, Hồ Chí Minh từ Việt Nam đi ra thế giới, hòa nhập vào đại dương trí tuệ của thời đại, đã chắt lọc tinh hoa của nhân loại, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác- Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, từng bước xây dựng nền giáo dục mới Việt Nam. Sự cống hiến của Người về giáo dục cả mặt lý luận và chỉ đạo thực tiễn là vô giá, đem lại thành tựu và niềm vinh quang cho nền giáo dục mới Việt Nam, tạo nền tảng đưa dân tộc ta sánh vai cùng các cường quốc năm châu trong giai đoạn hiện nay.
Cùng với thắng lợi chính trị của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về văn hoá mà một trong những nội dung hàng đầu là xóa đi một nền giáo dục đồi bại, xảo trá của chủ nghĩa thực dân..., “đó là một nền giáo dục nguy hiểm hơn cả sự dốt nát”.
Cùng với việc thiết lập nền dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi việc giải quyết nạn dốt là một trong những nhiệm vụ vừa cơ bản vừa cấp bách. Bởi vì, theo Người “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, “dốt thì dại, dại thì hèn”. Vì vậy, Người kêu gọi: phải làm cho nhân dân biết đọc, biết viết, xoá nạn mù chữ, từng bước nâng cao dân trí. Công việc kháng chiến, kiến quốc, đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chúng ta phải đem tài sức của dân để làm lợi cho dân. Muốn làm được điều đó, cần phải có giáo dục và giáo dục lại nhân dân, làm cho mọi người hiểu biết nhiệm vụ và quyền lợi của mình được hưởng, có trình độ học vấn, nắm được và từng bước làm chủ trình độ khoa học-kỹ thuật của Việt Nam và thế giới.
Giáo dục theo quan điểm của Hồ Chí Minh sẽ tạo ra tính liên tục của cách mạng. Với việc nâng cao dân trí, nhân dân sẽ biết quyền lợi, bổn phận, có kiến thức mới để tham gia vào công việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hồ Chí Minh cho rằng thiện, ác không phải là tính sẵn của con người. Giáo dục tạo ra nhân cách và từng bước hoàn thiện con người.
Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, giáo dục là yếu tố quyết định trực tiếp nâng cao trình độ học vấn, trình độ khoa học - cả khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật - chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, trình độ tổ chức quản lý... Giáo dục sẽ giúp cho người học có một vốn liếng về lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam và thế giới, mà nếu không có nó thì sẽ không giữ vững được nền độc lập dân tộc, không thể tham gia một cách tích cực và có hiệu quả vào công việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giáo dục sẽ giúp cho mỗi người dân có kiến thức mới để “biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hóa cao và đời sống tươi vui hạnh phúc”.
Với một tầm nhìn thời đại và tư duy toàn cầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những mục tiêu của giáo dục là đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, phát triển toàn diện con người, thúc đẩy hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. “Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. “Học để sửa chữa tư tưởng”. “Học để tu công đạo đức cách mạng”. “Học để tin tưởng” v.v...
Muốn đạt được những mục tiêu đó thì nội dung giáo dục phải toàn diện, phù hợp với tính chất của trường học dưới chế độ mới; phù hợp với đặc điểm Việt Nam trong bối cảnh chung của thế giới. Nội dung đó bao gồm cả văn hóa, chuyên môn nghề nghiệp, các ngành nghề liên quan trực tiếp tới công nghiệp, nông nghiệp, nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; các lĩnh vực an ninh, quốc phòng liên quan tới sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc v.v..
Là người nắm chắc, vận dụng nhuần nhuyễn phép biện chứng duy vật mác xít, Hồ Chí Minh nhận thức đúng đắn rằng các nội dung giáo dục có mối quan hệ mật thiết, khăng khít với nhau. Nếu không có trình độ học vấn thì không học tập được kỹ thuật, tức cũng không theo kịp được thời đại của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, công nghệ đang phát triển mạnh mẽ, và như vậy ngày càng tụt hậu xa hơn so với các nước. Nhưng điều đặc biệt là phải học chính trị, đạo đức. Bởi vì nếu chỉ học văn hóa, kỹ thuật, chuyên môn mà không có chính trị, đạo đức thì như người nhắm mắt mà đi. Giáo dục chính trị, đạo đức là nền tảng nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn. Chính trị nói ở đây là chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối quan điểm của Đảng. Học chính trị không phải cốt để thuộc sách Mác - Lênin làu làu, không phải học một cách giáo điều, mà là “học cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người, và đối với bản thân mình”; học lập trường, quan điểm, phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Để có chất lượng và đạt hiệu quả cao, cần phải thực hiện đúng đắn phương châm, phương pháp giáo dục. Đây là một nội dung được Bác Hồ đặc biệt quan tâm, vì nó sẽ tạo ra sự khác biệt về chất so với nền giáo dục phong kiến xa rời thực tế, và nền giáo dục thực dân đồi bại, xảo trá. Theo Hồ Chí Minh, nội dung giáo dục phải gắn với thực tiễn Việt Nam, học đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế, học tập phải kết hợp với lao động sản xuất. Giáo dục phải kết hợp cả ba khâu gia đình, nhà trường và xã hội. Xem nhẹ bất kỳ khâu nào cũng đều hạn chế đến kết quả của giáo dục, hơn nữa có thể đưa lại những hậu quả khó lường.
Dân ta thường nói: “Không thầy đố mày làm nên”, nhưng đồng thời cũng nói “học thầy không tày học bạn”. Bác Hồ rất quan tâm tới việc học bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp, đặc biệt là học nhân dân. Bởi vì không học nhân dân thì không lãnh đạo được dân” và có “biết làm học trò dân thì mới làm được thầy học của dân”. Tự học, tự đào tạo là một tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh. Con đường dẫn Người trở thành nhà sáng lập nền giáo dục cách mạng, danh nhân văn hóa kiệt xuất chủ yếu là tự học, tự đào tạo, khổ công học luyện. Ngay cả trong thời gian ở trường, Người vẫn tự học tập, nghiên cứu là chủ yếu. Đào sâu lý luận, gắn với thực tế, độc lập, tự chủ, sáng tạo với tính tích cực, chủ động, biến kiến thức của thầy thành kiến thức của mình là một bài học lớn từ tấm gương sáng của Bác, phản ánh quan điểm hiện đại trong giáo dục, đào tạo hiện nay khi nhân loại đang sống trong bối cảnh của nền kinh tế tri thức của kỷ nguyên toàn cầu hoá.
Một phương pháp quan trọng là phải giúp đỡ lẫn nhau, đoàn kết gắn bó với nhau, tự phê bình và phê bình trong học tập. Chúng ta đang sống trong thời đại của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ nếu tự mình - dù có tài giỏi đến mấy - cũng không thể am hiểu được mọi lĩnh vực. Khẩu hiệu đoàn kết không chỉ có giá trị bền vững trong chính trị, mà còn có ý nghĩa to lớn trong giáo dục.
Một vấn đề lớn thuộc phương châm giáo dục là giáo dục phải phù hợp với lứa tuổi và điều kiện thực tế. Đây thực sự là một khoa học. Chẳng hạn giáo dục thiếu nhi mà gò ép vào khuôn khổ của người lớn, làm cho chúng hóa ra những “người già sớm” là phản khoa học. Phù hợp với lứa tuổi cả nội dung và phương pháp. Và điều này liên quan tới nhiệm vụ của mỗi cấp giáo dục: “Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành... Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực... Tiểu học thì cần giáo dục cho các cháu thiếu nhi: yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công...”.
Liên quan tới vấn đề phù hợp với lứa tuổi, Hồ Chí Minh rất quan tâm tới việc “uốn cây từ lúc còn non, đừng để cho tâm hồn các cháu bị vẩn đục vì chủ nghĩa cá nhân”. Nhận thức và giải quyết vấn đề như vậy thuộc về quy luật của giáo dục. Bởi vì “Một năm khởi đầu từ mùa xuân, cuộc đới bắt đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”.
Phải giáo dục từ tuổi trẻ, tạo ra một sự khởi đầu tốt đẹp, để có một rừng cây giáo dục Việt Nam khoẻ khoắn, xanh tươi. Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Kết quả giáo dục phụ thuộc rất lớn vào đường lối của Đảng, trách nhiệm của chính quyền, các ngành, các cấp, các đoàn thể - đặc biệt là đoàn thể thanh niên - của cha mẹ học sinh. Phải tạo ra sức mạnh tổng hợp. Bởi vì giáo dục trong nhà trường chỉ là một phần, phần còn lại thuộc về vai trò của các đoàn thể nhân dân, gia đình, xã hội. Để có một nền giáo dục đạt chất lượng và hiệu quả cao, thể hiện bản chất tốt đẹp của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, thì phải thật sự dân chủ, bình đẳng trong giáo dục; phải gắn liền với thi đua và phương pháp nêu gương. Dân chủ thể hiện ở thảo luận, bàn bạc, phát biểu ý kiến; ở quan hệ đoàn kết chặt chẽ giữa thầy với thầy, thầy với trò, giữa trò với nhau, giữa cán bộ công nhân viên, giữa nhà trường với phụ huynh học sinh... Dân chủ nhưng trò phải kính thầy, thầy phải quý trò, chứ không phải là “cá đối bằng đầu”.
Theo Hồ Chí Minh, vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục là xây dựng đội ngũ những người thầy giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Bởi vì “nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục,. phải xây dựng đội ngũ những người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo. Đó là những người yêu nghề, yêu trường, hết lòng thương yêu, chăm sóc, giáo dục học sinh, không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng “khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ”. Phải thường xuyên tự bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm để thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy “người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình”. Người dẫn lại câu nói của Khổng Tử: “Học không biết chán, dạy không biết mỏi”, và lời dạy của Lênin: “Học, học nữa, học mãi” để nhấn mạnh rằng người huấn luyện nào tự cho mình là đã biết đủ rồi thì người đó dốt nhất.
Hiện nay, khi nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI trong xu thế của cuộc cách mạng khoa học, công nghệ phát triển nhanh, nền kinh tế tri thức và toàn cầu hoá, chúng ta phải có bản lĩnh dám nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng mạnh, yếu của nền giáo dục Việt Nam. Trong những nghị quyết gần đây, Đảng ta chỉ rõ phải “tập trung chỉ đạo quyết liệt việc nâng cao rõ rệt chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực”.
Bối cảnh đất nước, thế giới và thực tiễn Việt Nam đã có nhiều thay đổi so với lúc Bác Hồ còn sống, nhưng những nguyên lý giáo dục Người để lại cho chúng ta thì vẫn còn nguyên giá trị.
Quán triệt sâu sắc những quan điểm của Hồ Chí Minh về giáo dục, phải tập trung chống bệnh thành tích, bệnh bằng cấp trong giáo dục; phải xây dựng một đội ngũ “thầy ra thầy”; xây dựng chiến lược phát triển giáo dục, đổi mới cơ chế một cách mạnh mẽ và có những biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn những tác động xấu của cơ chế thị trường thâm nhập vào nhà trường. Việc đặt ra những tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể, triển khai mạnh trong thực tiễn bằng những hành động thiết thực, đồng bộ, chính là nhằm đưa giáo dục Việt Nam bắt kịp trình độ khu vực và thế giới trong xu thế toàn cầu hoá, thực hiện trọn vẹn tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, “làm cho non sông Việt Nam trở nên tươi đẹp, dân tộc Việt Nam bước tới đài vinh quang để sánh vai cùng các cường quốc năm châu”.
Theo PGS.TS Bùi Đình Phong, Tạp chí Khoa giáo tháng 5/2006
Nguồn: dangcongsan.vn
* Chú thích hình ảnh: Bác Hồ thăm lớp học vỡ lòng ở Hàng Than (Hà Nội)
- Được viết bởi: Lê Sỹ Chiến
- Lượt xem: 3648
Dân tộc Việt Nam từ xa xưa vốn có truyền thống rất hiếu học và "Tôn sư trọng đạo”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (học một chữ cũng là thầy, học nửa chữ cũng là thầy). Gia đình có con học giỏi không chỉ vinh dự cho ông bà, cha mẹ, mà còn cho cả dòng họ. Dù nhà nghèo khó đến đâu, cha mẹ cũng cố tìm mọi cách cho con cái được học hành “nửa bụng chữ bằng một hũ vàng”.
Bác Hồ của chúng ta, khi dạy học tại trường Dục Thanh - Phan Thiết, tuy thời gian dạy không dài, nhưng những ngày dạy học, Bác đã khêu gợi ở học sinh cách học, sự tìm tòi. Khi học khắc sâu vào tâm hồn non nớt của trẻ một lòng yêu nước. Bác là nhà sư phạm lớn, không những nêu ra những quan điểm mà còn chỉ ra nội dung cụ thể trong công việc “trồng người”.
Nhưng trong công việc này đòi hỏi sự chịu đựng gian khổ, tinh thần trách nhiệm, sự kiên trì, vừa khoa học, vừa tinh tế mà Bác gọi một cách hình ảnh nhưng rất gần gũi mà dễ hiểu là “sự nghiệp trồng người”.
Tư tưởng “trồng người” của Bác cho chúng ta thấy rõ vai trò của con người với sự hiểu biết, với năng lực đạo đức và phẩm chất chính trị trong sáng để phục vụ nhân dân.
Bác xác định rõ chức năng của người thầy giáo: “Nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục”. Nhưng để thực hiện được vai trò vẻ vang của mình, trước hết: “Thầy giáo phải xứng đáng là thầy, thầy phải được lựa chọn cẩn thận vì không phải ai cũng làm được”.
Tư tưởng về công tác giáo dục mang tính nhân văn và triết lý sâu sắc, chính vì quan tâm đến công tác giáo dục, trong lúc Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, Người đã viết bài in trên Tạp chí Cộng sản Pháp số 14 (năm 1921), Người đã căm phẫn lên án chính sách “làm cho dân ngu để dễ trị”, đầu độc dân bản xứ bằng rượu và thuốc phiện.
Người viết: “Người Đông Dương không được học, đúng thế, bằng sách vở và bằng diễn văn sử dụng các hệ thống loa phóng thanh nhưng người Đông Dương nhận sự giáo dục bằng cách khác. Đau khổ, nghèo đói và sự đàn áp tàn bạo là người thầy duy nhất của họ. Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi”.
Sau 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn biển tìm đường cứu nước, ngày 28/01/1941, Bác Hồ trở về Tổ quốc Việt Nam trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Trước hết, Người lo “diệt giặc đói khổ, diệt giặc dốt”. Ngày 01/02/1942, Người viết bài “Nên học sử ta”, in trên Báo Việt Nam độc lập:
“Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”
Người căn dặn: Dân ta phải biết sử ta. Sử ta dạy cho ta chuyện vẻ vang của tổ tiên ta. Dân tộc ta là con Rồng, cháu Tiên, có nhiều người tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, yên dân trị nước, tiếng để muôn đời.
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 03/9/1945, Bác Hồ đã chủ trương “Mở một chiến dịch giáo dục”, đó là nhiệm vụ thứ hai trong những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Tiếp theo, ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh “Về việc thành lập Hội đồng cố vấn học chính”. Hội đồng gồm có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và 30 hội viên chọn ở các ngành, các giới để nghiên cứu trình Chính phủ những chủ trương, chính sách về giáo dục.
Bác còn quan tâm đến việc tổ chức bồi dưỡng đội ngũ giáo viên – những chiến sĩ tiên phong chống nạn mù chữ. Bác viết thư gửi anh chị, em giáo viên bình dân học vụ – những nhà giáo làm việc mà không có lương bổng, thành công mà không có tiếng tăm. Lòng hăng hái và nỗ lực của anh chị, em đã mang lại kết quả là đồng bào ta nhiều người biết đọc, biết viết. Người khen ngợi: “Vinh dự đó thì tượng đồng bia đá nào cũng không bằng”.
Hay tại lớp học chính trị của các giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc vào ngày 13/9/1958, Bác nói lời tâm huyết: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây; vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Bác giao nhiệm vụ cho ngành giáo dục trực tiếp là các nhà giáo đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho Nhà nước. Người căn dặn các thầy giáo, cô giáo không ngừng tu dưỡng đạo đức, không ngừng học tập, nâng cao nghiệp vụ.
Tư tưởng “trồng người” của Bác là chỉ cho chúng ta mục tiêu mà nền giáo dục phải đạt tới, đó là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh. Bác luôn coi con người là vốn quý nhất, là nhân tố đảm bảo cho sự thành công của cách mạng. Đó là con người phải được phát triển toàn diện về các mặt đức, trí, thể, mỹ.
Lúc sinh thời Bác đã khẳng định vai trò của người thầy là phải có tâm hồn, kiến thức và sau cùng là phương pháp sư phạm. Tâm hồn của người thầy được xây dựng trên lòng yêu thương vô hạn, lòng quý mến và sự tôn trọng con người. Chính lòng tôn trọng đó là cội nguồn của mọi tình cảm cao đẹp, là khởi thủy của đạo đức. Lòng yêu thương của người thầy phải được gắn liền với sự tôn trọng con người. Những hành vi, cử chỉ đi ngược lại sự tôn trọng là xúc phạm đến sự nghiệp cao cả, sự nghiệp “trồng người”.
Thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của Bác, Đảng và Nhà nước ta hơn bao giờ hết luôn coi trọng sự nghiệp giáo dục. Năm 1982 đã lấy ngày 20/11 hàng năm làm "Ngày Nhà giáo Việt Nam"; quan tâm và tạo điều kiện cho đông đảo đội ngũ thầy giáo, cô giáo được đào tạo chính quy, để họ thực sự là những “kỹ sư tâm hồn”; đồng thời chăm lo cho cơ sở vật chất của ngành giáo dục như trường lớp, phương tiện, đồ dùng dạy học ngày một tiến bộ, văn minh và hoàn thiện; đồng lương của nhà giáo từng bước được cải thiện, ngoài lương cơ bản, thầy cô còn được hưởng phụ cấp đứng lớp.
Tuy nhiên, những tiêu cực trong ngành giáo dục trong thời gian qua và hiện nay làm mọi người lo ngại, như: bệnh thành tích, tiêu cực trong thi cử, nạn dạy thêm, học thêm tràn lan, chạy điểm, chạy trường..., điểm thi môn lịch sử trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh cao đẳng, đại học rất thấp khiến ta phải suy nghĩ.
Vài năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quan tâm của các cấp, ngành giáo dục đã có chuyển biến mạnh mẽ; mặt yếu kém được khắc phục, phong trào nhà trường thân thiện, học sinh tích cực, những tấm gương nhà giáo “vừa hồng vừa chuyên”, những học sinh – sinh viên chăm ngoan, vượt khó học giỏi, “học đi đôi với hành” ngày một nhiều hơn; nhiều học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế.
Hy vọng ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm có biện pháp hữu hiệu khắc phục những yếu kém, bất cập hiện nay, xứng đáng với lời vinh danh của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về giáo dục: "Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng toả hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời".
Đồng thời, bảo đảm thực hiện nghiêm túc tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, để giáo dục thật sự là "quốc sách hàng đầu", phục vụ đắc lực công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước ta.
(Tư liệu Hồ Chí Minh toàn tập. NXB Sự thật)
Người viết: Hoàng Chương
Nguồn: Bentre.edu.vn
- Được viết bởi: Nguyễn Thị Mộng Linh
- Lượt xem: 4069